Sáng nay (25/9) tại xã Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội đã diễn ra Lễ khởi công Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội. Dự án với tổng mức đầu tư là 738 triệu Euro (tương đương 18,408 tỷ VNĐ), thời gian thực hiện dự án từ năm 2009 đến 2015.
Xây dựng Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội phù hợp với Quy hoạch Tổng thể phát triển Giao thông vận tải đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt trong Quyết định số 90/2008/QĐ – Tg ngày 09/7/2008.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh lễ khởi công dự án
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Mục đích của dự án nhằm phát triển toàn diện hệ thống hạ tầng theo định hướng hiện đại để nâng cao năng lực của giao thông công cộng, đáp ứng các yêu cầu về mặt kinh tế và xã hội của Thủ đô; giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng, đảm bảo sự an toàn cho hành khách, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường đối với trung tâm Hà Nội do các phương tiện giao thông gây ra. Đưa Hà Nội ngày càng trở thành một đô thị văn minh, hiện đại ngang tầm thế giới.”
Dự án đường sắt đô thị thí điểm có chiều dài của hướng tuyến khoảng 12,5 km từ Nhổn đến ga Hà Nội. Phần đi trên cao dài 8,5 km và phần ngầm dài 4 km. Dự án được chia làm các hướng tuyến sau:
Đoạn từ Nhổn đến đường Vành đai 3: đi trên cao theo hướng Quốc lộ 32 (dự án này hiện đang thi công). Đoạn tuyến đi qua huyện Từ Liêm.
Mô hình ga Cầu Giấy ( ga số 8) và cầu vượt Vành đai 2
Đoạn từ đường Vành đai 3 đến đường Vành đai 2 đi trên cao lồng ghép với các đường Xuân Thủy – Cầu Giấy. Đoạn tuyến đi qua quận Cầu Giấy.
Đoạn từ đường Vành đai 2 đến khách sạn Deawoo: đoạn chuyển tiếp giữa đi trên cao và đoạn đi ngầm, dọc theo hồ Thủ Lệ đến nút giao Nguyễn Chí Thanh – Kim Mã. Đoạn tuyến đi qua quận Ba Đình.
Đoạn từ khách sạn Deawoo đến ga Hà Nội: đoạn đi ngầm dưới đường Kim Mã, phố Cát Linh, phố Quốc Tử Giám, ga Hà Nội và kết thúc ở đầu đường Trần Hưng Đạo.
Phương tiện sẽ là loại có cabin lái hai chiều và hoàn toàn có thể đổi chiều ở cả hai đầu của đoàn tàu. Chiều dài trung bình toa xe sẽ là khoảng 20m với 4 cửa bên (mỗi phía) cho một toa xe.
Đầu máy toa xe sẽ chạy với vận tốc lớn nhất là 80km/h và ở tốc độ thương mại trung bình khoảng 37km/h. Với công suất toàn bộ (6 hành khách/m2), tàu 4 toa có thể vận chuyển 916 người (760 người đứng và 156 người ngồi) và tàu 5 toa có thể vận chuyển 1155 người (957 người đứng và 198 người ngồi).
Mặt cắt mô hình của một bến ga ngầm dưới mặt đất
Về các dịch vụ tòa nhà cho hầm, nhà ga và các công trình phụ trợ như trung tâm điều khiển vận hành và nhà xưởng gồm các thiết bị và hệ thống như: Thang máy và thang cuốn; Các hệ thống kiểm soát môi trường ga và thông gió trong hầm; Hệ thống nước thải cho các ga và hầm; Hệ thống chiếu sáng và cấp nước; chữa cháy và chuông báo bị xâm hại; Quản lý kiểm soát khói…
Tại các nhà ga sẽ có các hệ thống thu soát vé tự động được chia làm hai khu vực riêng rẽ là chưa thanh toán tiền và đã thanh toán tiền. Công nghệ soát vé là dựa trên phương tiện không tiếp xúc, xèng hoặc thẻ thông minh không tiếp xúc, trên đó có các thông tin về loại vé (đi một lượt hay nhiều lượt) và giá tiền vé được mã hóa.
Việc xây dựng các công trình cầu cạn; hầm; những đoạn chuyển tiếp giữa đoạn đi cao và đoạn đi ngầm; các bến ga sẽ được xây dựng bằng công nghệ hiện đại và tiên tiến nhất của thế giới.
Dự án được UBND TP Hà Nội giao Ban dự án đường sắt đô thị Hà Nội làm Chủ đầu tư với tổng mức đầu tư là 738 triệu Euro (tương đương 18,408 tỷ VNĐ), thời gian thực hiện dự án từ năm 2009 đến 2015, do đơn vị tư vấn thực hiện dự án là Công ty Tư vấn SYSTRA (Cộng hòa Pháp). Dự án nằm trong danh mục các công trình quan trọng được khởi công chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.